Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
06/02/2018 9:14:00 SA
Ngày 6/2/2018, tại Nhà hát Bến Thành, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1 tổ chức họp mặt kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
-------------------------------
Ngày 6/2/2018, tại Nhà hát Bến Thành, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1 tổ chức họp mặt kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tham dự có Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cách; các đồng chí: Huỳnh Thanh Hải, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND Quận 1; Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Quận 1; Nguyễn Thị Hiếu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1; cùng các cán bộ, chiến sĩ và gia đình, thân nhân tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.
Trong không khí trang trọng, đầm ấm, lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1 tặng hoa tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng cùng các cán bộ, chiến sĩ và gia đình, thân nhân cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.
Bí thư Quận ủy Huỳnh Thanh Hải phát biểu ôn lại lịch sử hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sự kiện có ý nghĩa chiến lược tạo bước ngoặt có tính quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tạo tiền đề cho Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đồng chí nhấn mạnh: “Quận 1 tự hào đã hòa mình vào trận quyết chiến, tập trung xây dựng các cơ sở bí mật dùng làm nơi trú ém quân, đặt sở chỉ huy, tổ chức phát loa tuyên truyền, liên tục rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, treo cờ Mặt trận... gây cho địch hoang mang và quần chúng phấn khởi cùng với lực lượng biệt động thành, quân dân Quận 1 đã đồng loạt tiến công vào sào huyệt địch, góp phần vào thắng lợi chung”. Đồng chí bày tỏ tri ân sâu sắc đóng góp công sức và máu xương của chiến sĩ, nhân dân đã chiến đấu anh dũng trên chiến trường Quận 1. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội... đặc biệt chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu giao lưu, trò chuyện với 3 nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: cô Đặng Thị Thiệp (vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai), đã cùng chồng thực hiện nhiệm vụ mua nhà, đào hầm bí mật để cất giữ vũ khí phục vụ cuộc tổng tiến công tại căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Cô Huỳnh Quan Thư cùng chồng là liệt sĩ Lê Quang Lộc và Ban Chấp hành sinh viên tổ chức phong trào sinh viên Văn Khoa hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của sinh viên Sài Gòn trong những sự kiện trọng đại như: “Hát cho dân tôi nghe”, “Đêm văn nghệ tết Quang Trung” gây tiếng vang lớn trong học sinh, sinh viên dịp Tết Mậu Thân, tạo khí thế cách mạng chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Chú Phạm Bá Lữ, một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tấn công vào vùng 2 chiến thuật tại thành phố Pleiku, đầy cam go, quyết liệt nhưng chú cùng đồng đội bền gan vững chí, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc.
Thay mặt thế hệ trẻ, Phó Bí thư Đoàn phường Nguyễn Cư Trinh Trần Huy Ngọc bày tỏ cảm xúc đặc biệt, tự hào trước những chiến công vang dội của cha anh và những tấm gương anh hùng thanh niên lẫm liệt như anh Hồ Hảo Hớn, chị Lê Thị Bạch Cát; thế hệ trẻ Quận 1 nêu cao tinh thần tiên phong, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
T.X